Người học

Thành tích nổi bật

admin

Tháng Mười Hai 12

IOI 2020/2021
Với bề dày 12 năm đồng hành cùng các thế hệ học sinh giỏi Tin học của Việt Nam, trường Đại học Công nghệ vinh dự là đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ tập huấn và tổ chức thi cho đội tuyển Olympic Tin học của Việt Nam với các vòng thi Quốc gia (Vòng 2), khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APIO) và vòng thi Quốc tế (IOI).

Đặc biệt, trong hai năm 2020 và 2021, trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN lần đầu tiên đăng cai tổ chức kỳ thi APIO và IOI theo hình thức thi trực tuyến và gặt hái được nhiều thành công đáng ghi nhận.
Năm 2020: Đội tuyển IOI của Việt Nam đạt: 01 HCV; 02 HCB; 01 HCĐ
Năm 2021: Đội tuyển IOI của Việt Nam đạt: 04 HCB

Với thành tích đạt được 110 huy chương từ năm 1989 đến nay, đoàn Việt Nam đang xếp thứ 07 và tiếp tục trong top đầu các nước có huy chương nhiều nhất trên thế giới của các kỳ IOI.

Thông tin báo chí

– Bản tin ĐHQGHN: Khai mạc Vòng chung kết kỳ thi Olympic Tin học quốc tế năm 2021

– VNExpress: Việt Nam giành 4 huy chương bạc Olympic Tin học quốc tế

– Bản tin Trường ĐHCN: Bế mạc kỳ thi Olympic Tin học quốc tế 2021 tại Trường ĐHCN

Năm 2018

ngày 17/05, đội UET Fastest của Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã vượt qua 08 đội tuyển để giành ngôi Vô địch tại cuộc chung kết Cuộc đua số 2018 tại nhà thi đấu Quận Tây Hồ – Hà Nội.

Đội UET Fastest gồm các sinh viên Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Minh Tuấn, Trần Anh Dũng do ThS. Quách Công Hoàng hướng dẫn nhận được phần thưởng là 450 triệu đồng, trong đó có chuyến tham quan và trải nghiệm trong vòng một tuần tại Nhật Bản, được FPT Software tuyển thẳng vào làm theo lĩnh vực mà cá nhân mong muốn.

Cả 4 thành viên của đội thi đấu đều là các sinh viên tài năng xuất sắc của Trường ĐHCN, ĐHQGHN. Về chiến lược của đội trong vòng Bán kết, UET Fastest chia sẻ “Đầu tiên phải chậm chắc để hoàn thành trọn vẹn sa hình, sau đó tăng tốc để rút ngắn thời gian xe chạy, về đích và giành chiến thắng. Tham gia cuộc thi này, do không có thời gian luyện tập nên các thành viên thường xuyên phải tranh thủ luyện tập vào ngày nghỉ hoặc buổi tối. Khuôn viên của trường chật nên không thể dựng sân tập, cả đội phải tạo sân ảo trên máy tính. Các thành viên đã sử dụng kiến thức trong lĩnh vực lập trình, xử lý ảnh, trí tuệ nhân tạo – AI để tạo ra xe tự hành với tốc độ cao nhất, xác định và tránh được vật cản trên đường, nhận dạng và đi đúng theo chỉ dẫn của biển báo rẽ trái, rẽ phải. Chiến thuật này đã giúp đội thi UET Fastest của chúng ta trở thành đội Vô địch tại vòng Chung kết Cuộc đua số.

Sinh viên Nguyễn Minh Châu, thành viên đội UET Fastest cho biết, “các môn học trong nhà trường hiện phần lớn vẫn chỉ là lý thuyết. Cuộc đua số chính là động lực để bọn em phải tìm hiểu về các công nghệ mới như xử lý ảnh, học sâu, trí tuệ nhân tạo… Dù mới chỉ tham gia trong thời gian ngắn nhưng cuộc thi đã giúp chúng em có được những kết quả ban đầu về xe tự hành. Thời gian qua cả đội đã phải tập trung để cải tiến công nghệ xử lý ảnh của mình, tính toán kỹ lực gia tốc của xe để xe có thể chạy tốt nhất trên địa hình phức tạp. Tuy vẫn còn phải cải thiện và tối ưu công nghệ trong thời gian ngắn trước khi thi nhưng chúng em tự tin có thể hoàn thành hết đề bài mà ban tổ chức đưa ra”.

Năm nay Cuộc đua số với chủ đề “Lập trình xe tự hành” diễn ra vòng chung kết giữa 8 đội thi đến từ 6 trường đại học gồm: Proptype và đội Winwin Spiral cùng đến từ Đại học FPT; đội UET Fastest đến từ trường ĐHCN, ĐHQGHN; đội MTA_ Race4Fun của Học viện Kỹ thuật Quân sự; các đội DUT Stack và NII của Đại học Bách khoa Đà Nẵng; đội Sophia đến từ Đại học CNTT – Đại học Quốc gia TP.HCM; và đội BK-PIF của Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP.HCM. 8 đội thi đến từ 6 trường đại học, học viện hàng đầu trong cả nước đã phải trải qua 2 vòng thi đấu. Cụ thể, ở vòng 1, 8 đội thi đã bốc thăm để chia thành 4 cặp thi đấu. Mỗi cặp sẽ thi đấu 1 lượt trên 2 đường đua độc lập. 4 đội có số điểm cao nhất (được tính dựa trên thời gian ngắn nhất mà đội đã hoàn thành 1 vòng đua hoàn chỉnh) được lựa chọn vào vòng thi đấu thứ 2.

Kết thúc vòng thi đấu đầu tiên, 4 đội thi giành quyền lọt vào vòng 2 – vòng thi với sa hình bí mật lần lượt là 1MTA_ Race4Fun của Học viện Kỹ thuật Quân sự, Proptype và Winwin Spiral cùng của Đại học FPT và đội UET Fastest đến từ Trường ĐHCN, ĐHQGHN. Đội UET Fastest hoàn thành vòng thi này với thời gian là 31 giây.

Mặc dù là đội xếp vị trí thứ tư ở vòng thi đấu đầu tiên của đêm thi chung kết Cuộc đua số 2017 – 2018, tuy nhiên, ở vòng 2 và đặc biệt là ở trận đối kháng cuối cùng với đội Winwin Spiral của Đại học FPT, đội UET Fastest đã xuất sắc dẫn trước để giành ngôi Vô địch cuộc thi Cuộc đua số năm nay.

Trải qua 6 tháng luyện tập và thi đấu tại Cuộc đua số 2017 – 2018, các đội tuyển phải từng bước chinh phục các bài toán công nghệ của xe tự hành với mức độ khó tăng dần. Ban đầu, các thí sinh được tiếp cận với những kiến thức cơ bản về xử lý ảnh, trí tuệ nhân tạo và sau đó được hướng dẫn thực hành trên xe ô tô mô hình có kích thước bằng 1/10 xe thật.

Nếu như ở vòng bán kết, xe do các bạn sinh viên lập trình mới chỉ có khả năng di chuyển trên đường có làn, xác định và tránh được vật cản; nhận dạng và đi đúng theo chỉ dẫn của biển báo rẽ trái và rẽ phải thì đến vòng chung kết, xe của các đội đã có thể đi trên các đường có địa hình phức tạp như có hàng đinh, có vạch kẻ đường hoặc kẻ nét đứt…; ngoài biển rẽ trái, phải xe có thể nhận biết thêm biển dừng lại. Đặc biệt, các biển báo tự động thay đổi ngẫu nhiên qua từng lượt chạy để đảm bảo chính xác khả năng nhận biết biển báo của từng đội.

Thông tin báo chí

– Báo Tuổi trẻ: Trường ĐH Công nghệ vô địch cuộc thi lập trình xe tự hành

– Báo Diễn đàn Năng lượng: Trường ĐH Công Nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội vô địch tại Chung kết Cuộc đua số

– Vnexpress: Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội chiến thắng cuộc đua số

 

Kỳ thi Lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC khu vực châu Á

Bốn năm liên tiếp Trường ĐHCN có đội tuyển đạt giải cao ở kỳ thi Lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC khu vực châu Á và tham dự Vòng chung kết toàn cầu. Năm 2017, đội tuyển LINUX (gồm ba thành viên Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Đức Duy và Phan Đức Nhật Minh) đạt giải nhất ACM/ICPC khu vực châu Á, tham dự vòng chung kết toàn cầu tổ chức tại Mỹ giành thứ hạng 34/128 đội tuyển tham dự. Trong vòng loại khu vực châu Á, điểm thi Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra từ ngày 5-8/12/2017, đội tuyển Unsigned đã giành ngôi vô địch và sẽ có mặt tại vòng chung kết toàn cầu kỳ thi ACM/ICPC tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 4/2018. Năm 2016, đội tuyển BYTE (gồm 3 thành viên Phạm Văn Hạnh, Đỗ Ngọc Khánh và Nguyễn Tiến Trung Kiên) vô địch ACM/ICPC khu vực Châu Á điểm thi Hà Nội và rank 2 tại BangKok đã được chọn tham gia Vòng chung kết toàn cầu vàđã giành vị trí thứ 29 (là thứ hạng cao nhất của các đội tuyển Việt Nam từ trước đến nay) và đưa Việt Nam vào quốc gia có vị trí thứ 14 tại cuộc thi ACM/ICPC 2016.Năm 2015, đội tuyển Java# (ba thành viên là Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Phan Quang Minh và Đỗ Xuân Việt) đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia Vòng chung kết toàn cầu kỳ thi Lập trình sinh viên quốc tế toàn cầu ACM/ICPC 2015 đã giành thứ hạng 20 trong tổng số các quốc gia tham dự và là thành tích cao nhất từ trước tới nay cho Việt Nam tại kỳ thi này.

Sản phẩm DoIT

Hệ thống hỗ trợ nâng cao chất lượng văn bản” của nhóm tác giả gồm 3 thành viên chính PGS.TS Phạm Bảo Sơn, PGS.TS Lê Anh Cường, TS. Võ Đình Hiếu đạt giải nhì Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2017. DoIT gồm hai tính năng cơ bản là kiểm lỗi chính tả và phát hiện trùng lặp cho tài liệu tiếng Việt. Hệ thống có thể xử lý các tài liệu ở nhiều định dạng phổ biến hiện nay: doc, docx, pdf, ppt,…Với chức năng kiểm lỗi chính tả DoIT ngoài việc chỉ ra các từ bị lỗi còn đề xuất từ đúng thay thế. Chức năng phát hiện trùng lặp sẽ chỉ ra câu/đoạn trong văn bản được kiểm tra trùng lặp với câu/đoạn của tài liệu có trong cơ sở dữ liệu (CSDL) của hệ thống. Có ba mức trùng lặp gồm cao, thấp, và trung bình và được thể hiện bằng ba màu. Người dùng có thể chia sẽ, gửi tài liệu qua hệ thống. Bạn đọc có thể trải nghiệm sản phẩm tại http://doit.uet.vnu.edu.vn hoặc tại http://doit.lic.vnu.edu.vn.

Giải thưởng Quả cầu vàng năm 2017

TS. Hà Minh Hoàng và sinh viên Phạm Văn Hạnh là 2 trong 9 cá nhân trong cả nước được trao Giải thưởng KHCN thanh niên, Quả cầu vàng năm 2017. Từ khi giải thưởng bắt đầu năm 2003 đến nay, Trường ĐHCN có 11 người (7 cán bộ và 4 sinh viên) được nhận giải thưởng này.

Giải thưởng Honda Yes

Trường ĐHCN tiếp tục dẫn đầu trong số các trường đại học kỹ thuật, công nghệ có nhiều sinh viên được nhận Giải thưởng Honda Yes. Cụ thể, năm 2017 Nhà trường có 3/10 sinh viên đạt giải thưởng. Từ khi giải thưởng bắt đầu năm 2006 đến nay, sinh viên Trường ĐHCN đã đạt 34/120 giải Honda Yes và 10/30 giải Honda Yes plus.

Đầu vào chất lượng cao, cộng với sự hướng dẫn, đào tạo bài bản từ giảng viên, sinh viên Khoa CNTT luôn đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Dưới đây là một số thành tích tiêu biểu gần đây của sinh viên Khoa CNTT.

Honda Y-E-S 2015

Honda Vietnam chính thức công bố kết quả tuyển chọn 10 gương mặt xuất sắc đạt Giải thưởng Honda dành cho Kỹ sư và Nhà khoa học trẻ Việt Nam 2015 (Honda Young Engineer and Scientist Award – Honda Y-E-S 2015) vào tháng 10/2015 vừa qua. Khoa CNTT tự hào có 3 sinh viên đạt giải thưởng này. Đây là năm thứ 2 liên tiếp 3 (trên 10) giải thưởng thuộc về sinh viên Khoa.

ACM/ICPC 2015

Với việc giải quyết 9 vấn đề trong 941 phút, đội BYTE (gồm sinh viên Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Tiến Trung Kiên và Đỗ Ngọc Khánh) của Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN đã vượt qua 110 đội tuyển của các trường ĐH trong nước và quốc tế như các Trường Khoa học tự nhiên TP. HCM, Trường Đại học Quốc tế Đài Loan, Trường Đại học Bách Khoa, Trường ĐH FPT… để bước lên sân khấu nhận Cup vô địch, tiếp tục hướng tới vòng chung kết ACM/ICPC sẽ được tổ chức tại Phuket, Thái Lan vào tháng 5/2016. 6 đội tuyển còn lại của Nhà trường đạt xếp hạng khá cao như sau BIT xếp hạng 3, MEGABYTE xếp hạng 10, KILOBYTE xếp hạng thứ 11, WORD xếp hạng 12, GEOPBYTE xếp thứ 16, GIGABYTE 22.
Olympic Tin học sinh viên 2015 Toàn quốc

Trường Đại học Công nghệ tham gia cuộc thi Olympic Tin học sinh viên lần thứ 24 ở ba khối. Khối Chuyên Tin, gồm sinh viên Nguyễn Việt Tuấn đạt giải Ba; Khối Siêu Cúp gồm 6 sinh viên dự thị với 5/6 giải thuộc về Trường, cụ thể Phạm Văn Hạnh đạt Cúp Vàng, Đỗ Ngọc Khánh đạt Cúp Bạc, Nguyễn Tiến Trung Kiên, Bùi Đức Thiện và Nguyễn Phúc Hoàng đạt Cúp Đồng, sinh viên Mai Huy Hoàng đạt giải Ba.

Sinh viên với An toàn thông tin 2015

Đội Animal.Oh yeah (Trường Đại học Công nghệ – Đại học quốc gia Hà Nội) đã giành giải Nhì tại Vòng chung kết cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin 2015 diễn ra vào ngày 14/11/2015.
Với 25.220 điểm đội Animal.Oh yeah (gồm sinh viên Nguyễn Hữu Tùng, Phan Xuân Tiến, Lê Văn Giáp và Đỗ Quang Thành) vượt qua 4 đội tuyển của các trường Đại học Công nghệ thông tin (ĐHQG TP. HCM), Đại học Duy Tân, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội… để giành giải Nhì tại vòng thi chung kết cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin 2015.

Vòng chung kết toàn cầu ACM/ICPC 2015

Đội tuyển Java#, Trường ĐH Công nghệ – ĐHQGHN, đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia Kỳ thi Lập trình sinh viên quốc tế toàn cầu ACM/ICPC 2015 đã mang về thành tích cao nhất từ trước tới nay cho Việt Nam tại kỳ thi này.
ACM/ICPC 2015 thu hút sự tham gia của hơn 4000 trường đại học ở khắp các châu lục. Sau các vòng thi khu vực, 128 đội tuyển mạnh nhất đã tham gia vòng chung kết toàn cầu diễn ra vào ngày 25/5, tại đất nước Maroc. Giải được 6 trên tổng số 13 bài, đội tuyển Java# (gồm 3 thành viên là Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Phan Quang Minh và Đỗ Xuân Việt) đứng hạng thứ 51 của cuộc thi, đây là thành tích cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam. Nếu xếp thứ hạng, Việt Nam đứng thứ 20 của cuộc thi.

© VNU-UET-Faculty of Information Technology. All rights reserved.