Theo UET News, ngày 24/04, đoàn sinh viên Trường Đại học Công nghệ thực hiện thí nghiệm tham gia cuộc thi Parabolic Flight 2013, tại Trung tâm Vũ trụ JAXA, Nhật Bản đã báo cáo kết quả chuyến đi tại Viện Công nghệ vũ trụ thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.
Tham dự buổi gặp mặt về phía Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam gồm PGS.TS Doãn Minh Chung- Viện trưởng Viện Công nghệ Vũ trụ, CN.Nguyễn Gia Lập- Phó trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế, TS. Hà Quý Quỳnh- Phó trưởng ban Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ. Về phía trường ĐHCN gồm GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy- Phó hiệu trưởng, PGS.TS. Lê Anh Cường- Phó chủ nhiệm khoa CNTT, TS. Lê Thanh Hà và TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh (Khoa CNTT)- cố vấn chuyên môn và Thầy Đỗ Nam, Chủ tịch Hội sinh viên trường ĐHCN.
Mở đầu buổi gặp mặt, PGS.TS Doãn Minh Chung và GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy bày tỏ niềm vui mừng với kết quả tốt đẹp của chuyến đi thực tập thí nghiệm trên chuyến bay không trọng lượng tại Trung tâm Vũ trụ JAXA, Nhật Bản của nhóm sinh viên. Sự thành công của chuyến đi lần này đã đánh dấu việc phát triển hợp tác giữa Viện Công nghệ vũ trụ và trường Đại học Công nghệ. Bên cạnh đó, Nhà trường đã thành công trong việc đào tạo, khơi gợi niềm đam mê về công nghệ vũ trụ đối với sinh viên. Trong thời gian tới, Viện Công nghệ vũ trụ và trường ĐHCN hi vọng sẽ mở rộng được hợp tác trong các đề tài, nghiên cứu và đào tạo.
Nhóm sinh viên (gồm Vũ Xuân Lai, Thái Công Khanh, Vũ Tiến Tùng và Nguyễn Mạnh Cường lớp K55CA) đã trình bày về ý tưởng và quá trình tham gia thực tập thí nghiệm trên chuyến bay tại Nhật Bản. Thiết bị của nhóm gồm một rack chứa, động cơ, mạch điều khiển, cánh quạt các thiết bị smartphone, cùng các phần mềm tự viết nhằm thu thập và phân tích dữ liệu. Mục đích chính của nhóm là kiểm tra xem có thể chơi game được trên space hay không nên nhóm sử dụng 3 thiết bị smartphone: Lumia 920, Samsung Galaxy SII và Ipod Gen4 để tiến hành thí nghiệm. 3 điện thoại sẽ được gắn vào 3 “cánh tay” quạt trên một mặt phẳng nằm ngang, cánh quạt được kết nối với động cơ và hoạt động dựa vào bảng mạch điều khiển. Nhóm đã thiết lập cho cánh quạt quay với 3 mức tốc độ 20-40-60 vòng/phút thông qua mạch điều khiển. Ba điện thoại sẽ được cài đặt sẵn phần mềm “Parabolic Fight 2013 App” do nhóm tự viết trên 3 nền tảng khác nhau để đo các thông số gia tốc, vận tốc góc thông qua các cảm biến Accelerometer và Gyroscope có sẵn trong điện thoại. Các thông số cảm biến thu nhận được được sẽ được phân tích trên phần mềm phân tích dữ liêu.
Thí nghiệm Parabolic Flight lần này cũng là tiền đề cho các dự định tiếp theo của nhóm: vệ tinh viễn thám mini với smartphone đóng vai trò là bộ não xử lý. Với bộ vi xử lý mạnh mẽ, các cảm biến nhỏ gọn… và cuối cùng là 2 cảm biến Gyroscope và accelerometer sẽ đóng vai trò là bộ phần dẫn đường, smartphone có đầy đủ các thành phần cần thiết cho 1 chiếc vệ tinh.
Nói đến những kinh nghiệm và chia sẻ về chuyến đi thực tập thí nghiệm, TS. Lê Thanh Hà – Trưởng đoàn khẳng định cuộc thi Parabolic Flight rất bổ ích. Từ đó, viện và trường có điều kiện giúp sinh viên trải nghiệm cảm giác không trọng lượng. Đây chính là điều thúc đẩy, truyền cảm hứng cho sinh viên để đạt kết quả nhất định. Những yếu tố làm nên kết quả không chỉ là tài năng, sự chăm chỉ mà còn có sự đam mê khoa học của sinh viên. Qua cuộc thi này, trường mong muốn thúc đẩy hợp tác giáo dục và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Công nghệ Vũ trụ. Thông qua đó các cuộc thi sẽ được tổ chức sâu rộng hơn trong sinh viên.
Ông Nguyễn Gia Lập chia sẻ, trên đấu trường quốc tế sinh viên trường ĐHCN đã tạo nên dấu ấn Việt Nam dựa trên hợp tác hiệu quả trường ĐHCN và Viện Công nghệ vũ trụ. Cuộc thi Parabolic Filght là cuộc thi thiết thực, minh chứng năng lực của sinh viên trường ĐHCN. Nếu có điều kiện chuẩn bị tốt hơn nhất định kết quả nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị thử nghiệm của nhóm sinh viên sẽ đạt được những kết quả sâu sắc về công nghệ.
Kết quả lần này cũng là điểm tựa để trường và viện tiếp tục hỗ trợ cho các nhóm sinh viên say mê tìm tòi nghiên cứu khoa học thực hiện ước mơ và khát khao của bản thân trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.
Theo Tuyết Nga (UET-News)