Theo PGS.TS Lê Sỹ Vinh, trong kỷ nguyên số, ngành Khoa học máy tính phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng với các công nghệ lõi về trí tuệ nhân tạo.
Khoa học máy tính là một trong những ngành học đang thu hút được sự quan tâm của rất nhiều học sinh, nhất là trong kỷ nguyên số với nhu cầu tuyển dụng nhân lực cao đồng thời mức thu nhập của ngành này cũng vô cùng hấp dẫn.
Tuy nhiên, để trúng tuyển vào ngành học này cũng không phải đơn giản. Nhiều trường đại học lấy điểm rất cao từ 27-29 điểm/3 môn. Thậm chí ngay cả thủ khoa cả nước cũng trượt đại học khi đăng ký xét tuyển ngành Khoa học máy tính.
Ngành học phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên số
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Sỹ Vinh, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay:
Trong hai năm gần đây chỉ tiêu ngành Khoa học máy tính của nhà trường khoảng hơn 300 sinh viên/năm với các hình thức tuyển sinh khác nhau như: xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (khoảng trên 27 điểm); Thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Đặc biệt nhiều em đạt giải quốc tế, quốc gia, giải tỉnh các kì thi học sinh giỏi Tin, Toán và Vật lý được tuyển thẳng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Sỹ Vinh, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Cũng theo thầy Vinh, Khoa học máy tính là ngành nghiên cứu các cơ sở lý thuyết về thông tin và tính toán cùng việc thực hiện, ứng dụng của chúng trong hệ thống máy tính.
Trong kỷ nguyên số, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ngành Khoa học máy tính phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò vô cùng quan trọng với các công nghệ lõi về máy tính, trí tuệ nhân tạo,…
Là người trực tiếp giảng dạy bộ môn Khoa học máy tính ở Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Tiến sĩ Lê Đức Trọng – Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học máy tính thông tin: Mục tiêu của chương trình đào tạo cử nhân Khoa học máy tính là nhằm đào tạo những sinh viên giỏi về chuyên môn và cao về kỹ năng định hướng công nghiệp, đáp ứng được nhu cầu sử dụng nhân lực trình độ cao của các công ty, tập đoàn lớn về công nghệ thông tin tại Việt Nam cũng như thế giới.
Bên cạnh đó, chương trình cũng hướng tới góp phần đào tạo, bồi dưỡng các sinh viên tài năng định hướng học thuật, được hướng dẫn để phát triển khả năng nghiên cứu, xây dựng các mô hình, thuật toán, công nghệ lõi thuộc lĩnh vực Khoa học máy tính, để trở thành đội ngũ nhà khoa học kế cận tại các trường đại học, trung tâm, viện nghiên cứu trong tương lai.
Thầy Trọng cũng cho biết, trong 3 học kỳ đầu, sinh viên ngành Khoa học máy tính được trang bị các kiến thức cơ sở của ngành công nghệ thông tin, thực hành tại phòng máy nhằm củng cố kiến thức và nâng cao kỹ năng về lập trình, tư duy lập trình, giải quyết vấn đề thông qua các học phần như nhập môn lập trình, lập trình nâng cao, cấu trúc dữ liệu và giải thuật…
Dựa trên cơ sở đó, trong những kỳ tiếp theo, sinh viên được học và thực hành các học phần chuyên ngành phát triển kiến thức, kỹ năng theo bốn định hướng chuyên sâu bao gồm: “phát triển phần mềm và ứng dụng”, “các hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo”, “phân tích dữ liệu thông minh” và “tương tác người máy”.
Tiến sĩ Lê Đức Trọng – Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học máy tính, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội
Cả bốn định hướng đều trang bị kiến thức chuyên ngành nền tảng, cho phép sinh viên phát triển theo hướng học thuật và công nghiệp. Đa số các học phần chuyên ngành đều sử dụng hình thức thi, đánh giá cuối kỳ qua việc thực hiện “bài tập lớn”, trong đó khuyến nghị sinh viên đề xuất, giải quyết các bài toán thực tế sử dụng kiến thức thu nhận được trong học phần.
Bên cạnh đó, nhằm giúp sinh viên nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm thực tế tại cơ quan, tổ chức sau khi tốt nghiệp, ở kỳ hè năm 3, khoa triển khai học phần thực tập doanh nghiệp trong thời gian 3 tháng.
Trong đó, đối với sinh viên theo hướng công nghiệp, đăng ký thực tập tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nằm trong mạng lưới hợp tác của Khoa Công nghệ thông tin. Khoa phân công cán bộ giảng viên hỗ trợ những sinh viên này trong suốt thời gian thực tập.
Đối với sinh viên theo hướng học thuật, đăng ký thực tập nghiên cứu trực tiếp với các cán bộ giảng viên của khoa. Kết thúc thời gian học tập, tất cả sinh viên hoàn thành báo cáo thực tập có nhận xét, xác nhận của nơi thực tập và cán bộ hướng dẫn nộp về Văn phòng Khoa.
Tiến sĩ Lê Đức Trọng thông tin, mức học phí với sinh viên ngành Khoa học máy tính khoảng 35 triệu đồng/năm học (10 tháng). Sinh viên chỉ cần có máy tính cá nhân để phục vụ học tập và tự thực hành.
Cơ hội việc làm rộng mở, mức lương có thể lên tới 100 triệu đồng/ tháng
Chia sẻ về cơ hội việc làm và mức lương của ngành này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Sỹ Vinh cho hay: Theo kết quả khảo sát của nhà trường trong 3 năm gần đây, gần như tất cả các sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính đều có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Trong đó đa số thuộc khối doanh nghiệp, công ty tư nhân chiếm gần 50%, khối nhà nước chiếm khoảng trên 15%, một tỷ lệ không nhỏ khởi nghiệp (tự tạo việc làm).
“Mức lương trung bình sau khi tốt nghiệp khoảng 15 triệu đồng. Nhiều sinh viên xuất sắc ra trường có mức thu nhập lên tới 50-100 triệu đồng/tháng khi làm cho các tập đoàn công nghệ lớn hoặc công ty nước ngoài”, thầy Vinh thông tin.
Nhiều trường phải tăng quy mô đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội
Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn khi đào tạo ngành Khoa học máy tính, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Sỹ Vinh bày tỏ: Ngành Công nghệ thông tin nói chung, trong đó có ngành Khoa học máy tính đang là một ngành nghề “hot” của xã hội. Tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm ở mức cao với mức lương tốt. Vì vậy, nhu cầu đào tạo hay lượng “sinh viên tiềm năng” là rất lớn.
Vị thế và hình ảnh của nhà trường nói chung, Khoa Công nghệ thông tin nói riêng từng bước được khẳng định chất lượng đào tạo trong gần 20 năm xây dựng và phát triển. Hiện nay, Trường Đại học Công nghệ là một trong những đơn vị đào tạo, nghiên cứu hàng đầu về Công nghệ thông tin, đặc biệt là ngành Khoa học máy tính tại Việt Nam. Chính vì vậy, ngành Khoa học máy tính thu hút được nguồn sinh viên chất lượng từ các trường trung học phổ thông trên toàn quốc, điểm đầu vào tương đối ổn định ở mức cao (trên 27 điểm).
Đội ngũ cán bộ giảng viên, chuyên gia được đào tạo bài bản tại các đơn vị trong và ngoài nước. Nhà trường nhận được sự quan tâm, đầu tư của Đại học Quốc gia Hà Nội trong nâng cao quy mô, chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên cũng như cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ nghiên cứu, giảng dạy.
Tuy nhiên, theo thầy Vinh nhà trường cũng gặp phải một số thách thức:
Ngành Công nghệ thông tin nói chung, và ngành Khoa học máy tính nói riêng thay đổi không ngừng theo xu hướng chung của thế giới đòi hỏi đội ngũ cán bộ giảng viên cũng cần thay đổi, cập nhật kiến thức, công nghệ thường xuyên để đảm bảo chất lượng giảng dạy, nghiên cứu;
Với sự tăng lên về quy mô đào tạo, yêu cầu phát triển của ngành, cơ sở hạ tầng, thiết bị cũng cần nâng cấp nhằm đáp ứng các nhu cầu về tính toán song song, tính toán hiệu năng cao;
Quy mô đào tạo tăng lên, đòi hỏi tăng về quy mô số lượng cán bộ giảng viên, chuyên gia. Việc tuyển dụng thêm cũng gặp nhiều khó khăn do việc cạnh tranh về cơ hội và mức đãi ngộ so với khối công nghiệp, đặc biệt với các nhân lực chất lượng cao, chuyên gia về AI, phân tích dữ liệu.
Nguồn : https://giaoduc.net.vn/